Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

HCV bóng đá nam của SEA Games đáng giá khoảng bao nhiêu?



Trong rất nhiều thế hệ cầu thủ, chức vô địch SEA Games vẫn là nỗi ám ảnh chưa thể hoàn thành. Trong đó, một thế hệ tài năng bậc nhất từ trước đến nay tại SEA Games 29 tiếp tục thất bại, và người ta phải tự hỏi, liệu mục tiêu này quý giá đến mức nào?


Đầu tiên chắc chắn là tiền. Những khoản tiền khổng lồ được đổ vào bóng đá Việt nam với một phần mục tiêu để vô địch SEA Games. Theo những con số thống kê từ GĐĐH Huỳnh Mau (CLB HAGL), mỗi năm bầu Đức chi ra khoảng 50 tỷ đồng để nuôi 4 đội bóng gồm HAGL, 2 khoá học viện, 1 khóa tuyển trẻ U19. Với trọng điểm là CLB HAGL thi đấu tại V-League, dự số tiền còn lại dự kiến 15 tỷ/năm được ông Đức sử dụng với mục tiêu đào tạo trẻ, hay nói cách khác là để vô địch SEA Games sau này. Đó mới là tính riêng tại HAGL, nghĩa là sẽ còn những lò đào tạo trẻ khác nữa để tạo thành ĐT U22 Việt Nam.
Trong đó, SEA Games năm nay là lứa cầu thủ đã được đầu tư từ 10 năm trước, thậm chí BLĐ không tiếc tiền để gửi một số cầu thủ nổi bật như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng sang nước ngoài thi đấu. Ngoài ra, đó còn là số tiền mỗi kỳ SEA Games, VFF lại treo thưởng lên đến cả tỷ đồng. Những nhà tài trợ đi theo đội cũng đóng góp không ít vào mục tiêu này,… tất cả đều vì mục tiêu SEA Games.
HCV bong da nam SEA Games dang gia bao nhieu hinh anh
Công Phượng và các đồng đội tiếp tục thất bại ở SEA Games

Nhưng đó chỉ là phần nổi của vấn đề. Nếu SEA Games chỉ đơn thuần đổ tiền vào là xong, những người làm bóng đá Việt Nam chắc hẳn không tiếc tiền để “mua” nó. Bầu Đức là một người như vậy, nhưng sau quá nhiều kỳ vọng và tâm huyết đổ dồn vào mục tiêu này, ông đã xin từ chức vị trí Phó Chủ tịch VFF. Và không chỉ những ông bầu, những HLV, ngay cả các cầu thủ cũng bỏ lỡ rất nhiều “chi phí cơ hội” cho mục tiêu giành chiếc huy chương vàng giải đấu khu vực.
Vì mục tiêu SEA Games, một thế hệ tài năng với Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng – những cầu thủ nổi lên từ 3-4 năm trước đã cố gắng rất nhiều. Có thể nói rằng họ được sinh ra để giành mục tiêu này, với rất nhiều sự kỳ vọng từ rất nhiều người. Thế hệ này được xem là xuất sắc bậc nhất từ trước đến nay, với nhiều cái tên đã ăn cơm tuyển và dày dặn kinh nghiệm thi đấu. Thất bại năm nay khiến nhiều cầu thủ không còn cơ hội giành SEA Games trong đời. Và tuổi trẻ thì có giá bao nhiêu?
HCV bong da nam SEA Games dang gia bao nhieu hinh anh 2
Tuấn Anh đã hết cơ hội tham dự SEA Games sau này

Vì mục tiêu SEA Games, Vũ Văn Thanh bỏ lỡ cơ hội thi đấu tại châu Âu hồi tháng 5. Đó là một điều rất đáng tiếc, bởi thời điểm Văn Thanh được mời sang chơi bóng là mùa hè, thời điểm tuyệt vời để CLB Serbia có thể tuyển chọn tân binh, cơ hội thi đấu vì thế sẽ lớn hơn nhiều. Nếu lời đề nghị này đến vào mùa đông chẳng hạn, chỗ của Văn Thanh chắc chắn là trên băng ghế dự bị và dẫn đến một sự thất bại được dự báo từ trước. Cầu thủ sinh năm 1996 vì thế, đã bỏ qua cơ hội bằng vàng để phát triển sự nghiệp của mình và không biết đến bao giờ mới có được lời đề nghị tiếp theo.
Vì mục tiêu SEA Games, Lương Xuân Trường ngậm đắng nuốt cay rời Gangwon trong bối cảnh đang cần thể hiện mình. Tiền vệ này được kỳ vọng rất nhiều và trên thực tế, bước đầu đã được HLV trao cơ hội đá chính tại K-League. Nhưng anh đã trở lại cùng ĐT U22 Việt Nam với mục tiêu giành vàng. Xuân Trường biết mình đã bỏ lỡ cơ hội chứng tỏ ở CLB, nhưng nếu có thể đoạt chiếc huy chương vàng, anh biết BLĐ Gangwon sẽ rất hài lòng. Nhưng Trường không thể làm điều đó.
Với một cầu thủ đang có phong độ “chấp chới” như Xuân Trường, ở một đội bóng có tham vọng như Gangwon, đương nhiên anh biết nguy cơ của việc rời đội gần 2 tháng. Giờ đây, tiền vệ này sẽ phải làm lại từ đầu, tích lũy thể lực và mong chờ cơ hội ra sân một lần nữa. Mà cơ hội thi đấu thì đôi khi cũng rất “mịt mờ”.
HCV bong da nam SEA Games dang gia bao nhieu hinh anh 3
Thất bại này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai các cầu thủ trẻ

Những người như Văn Thanh và Xuân Trường đều là của hiếm ở nền bóng đá Việt Nam. Nghĩa là ngoài những mục tiêu tương tự bất kỳ cầu thủ nào khác (thi đấu tốt ở CLB, đem vinh quang về cho đất nước), họ còn được kỳ vọng sẽ trở thành người tiên phong cho một thế hệ cầu thủ tiếp theo có thể ra nước ngoài thi đấu thành công. Nhưng điều này hiện nay đang bị đình trệ.
Và cuối cùng, đó còn là biết bao hy vọng của các fan hâm mộ, những người đặt niềm tin rất lớn vào ĐT U22 Việt Nam năm nay. Có những người lao động tại Malaysia phải đi đến 500km, bỏ thời gian và công việc để đến tận SVĐ cổ vũ cho các cầu thủ. Nhưng sau những thất bại liên tiếp trong vài năm trở lại đây, niềm tin nơi “cầu thủ thứ 12” sẽ bị ảnh hưởng và họ sẽ nghĩ rằng, đến thế hệ này còn không qua nổi vòng bảng, thì sẽ rất lâu nữa Việt Nam mới có cơ hội lên ngôi vô địch. Mà niềm tin của người hâm mộ thì đáng giá bao nhiêu?
SEA Games đáng giá bao nhiêu, vì thế là câu hỏi không có lời giải đáp. Nhưng có rất nhiều giá trị vô hình và hữu hình đã mất vì sự thất bại ở giải đấu lần này. Và không biết đến bao giờ, mục tiêu này mới thôi ám ảnh cả một nền bóng đá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét